Trong khi học giả và bạn trẻ Việt Nam trong ngoài nước đều cảm thấy được khích lệ và mong muốn được có trong tay cuốn sách quý giá này, thì đối với Trung Quốc, đây là cuốn sách nói đúng “tim đen” của họ khiến nhiều học giả Trung Quốc “lao xao” dùng "luận điệu cũ kỹ” để phản đối.
Cuốn sách đang gây chú ý của dư luận trong nước và quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông
“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông’ là một bước đi vững chắc”
Đó là quan điểm của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, học giả Việt Nam ở nước ngoài khi nói về cuốn sách này. Ông cho biết: “Quyển sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông tôi chưa đọc, nhưng qua những lời giới thiệu, kể cả phỏng vấn với ông chủ biên thì tôi thấy đây là một bước đi vững chắc. Có bước đi đầu vững chắc thì nên tiếp tục làm như vậy. Một nước nhỏ như Việt Nam cần làm việc đàng hoàng chứng minh cho người ta biết mình làm việc đàng hoàng, có tình, có lý, bởi vì thật ra vấn đề này không chỉ là vấn đề nghiên cứu (thuần túy) mà là nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho việc tranh đấu, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ an ninh trong khu vực. Và như thế, phải chứng minh cho thế giới biết là người Việt Nam đàng hoàng”. Nói thêm về Giáo sư Ngô Vĩnh Long là một trong những học giả Việt kiều nổi tiếng tại Mỹ, nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ châu Á - Mỹ. Ông hiện là giáo sư giảng dạy tại khoa lịch sử trường Đại học Maine, thành phố Orono, bang Maine (Mỹ).
Do cuốn sách mới ra mắt nên nhiều độc giả nước ngoài vẫn chưa được tận mắt đọc cuốn sách này, chỉ được biết qua các bài báo giới thiệu. Tuy nhiên, nhiều học giả và bạn trẻ nước ngoài cũng đồng quan điểm với Gs Long và mong muốn cuốn sách được đưa đến tay người Việt trong nước và nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.
“Mong muốn sách đến tay nhiều người hơn”
Người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, rất háo hức muốn đọc cuốn sách này. Nhiều bạn trẻ ở trường học đã truyền tay nhau đọc ngay từ lần ra mắt đầu tiên của cuốn sách và tìm mua lại bằng được. Theo chủ biên TS Trần Công Trục, mới ra mắt chưa được 1 tháng nhưng hiện nay cuốn sách đã được NXB Thông tin và Truyền thông tái bản đến lần thứ 2, và mỗi lần in như vậy đều nhanh chóng bán hết. Điều này chứng tỏ người dân và các học giả đều rất quan tâm đến cuốn sách này. Anh Lê Đức Bắc (Sinh viên VB2, Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi mới được học về Công pháp Quốc tế, những điều căn bản về Luật Biển quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 đã được thể hiện rất rõ trong cuốn sách này. Đọc cuốn sách này, bản thân những người học luật như chúng tôi không những nắm rõ hơn luật pháp quốc tế mà còn nhìn thấy rõ sự chính nghĩa, sự hợp pháp của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tôi mong muốn cuốn sách này được dịch ra tiếng Trung, Tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác để khi gặp các bạn bè quốc tế, nhất là bạn bè Trung Quốc, tôi sẽ nói: ‘Muốn biết chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông thế nào hãy đọc Dấu ấn Việt nam trên Biển Đông’”.
Là người miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học, thầy Nguyễn Trung Hà (giáo viên huyện Sìn Hồ- Lai Châu) không ngày nào không theo dõi tình hình thời sự Biển Đông. Thầy Hà cho biết: “Chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, những nhu yếu phẩm vận chuyển đến còn rất khó khăn, nên sách mới ra tôi chưa có điều kiện cầm trên tay mà chỉ nghe giới thiệu về cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” trên các trang mạng. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận gần hơn với cuốn sách này qua báo điện tử”
Chia sẻ với Infonet, TS Trần Công Trục cho biết, ông đang có ý định dịch cuốn sách này ra tiếng Trung và tiếng Anh để cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc được tiếp cận dễ dàng. Đặc biệt hơn, để đáp ứng mong mỏi của độc giả Việt Nam và người Việt ở nước ngoài được tiếp cận sớm nhất với “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, TS Trần Công Trục đã đồng ý cho phép Infonet trích dẫn và đăng tải một số phần quan trọng của cuốn sách. Bắt đầu từ bài thứ 2, Infonet xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả trong và ngoài nước phần trích dẫn theo các chủ đề sau: Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông; Nhìn lại những điểm mốc thời gian chiếm hữu thực sự của Việt Nam; Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên cơ sở chứng lý và luật pháp; Trung Quốc và những âm mưu đã “lộ tẩy” về Biển Đông; Những căn cứ “mơ hồ” của Trung Quốc về Biển Đông; Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa; Trường Sa bị Trung Quốc chiếm như thế nào; Đề xuất cho một cuộc đấu tranh chủ quyền lâu dài... Phần tiêu đề do BBT Infonet đặt.
(còn tiếp)
School@net (Theo Sưu tầm)
|