Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 13
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 13
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89605648 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Hồ Gươm ngày và đêm

    Ngày gửi bài: 12/10/2010
    Số lượt đọc: 2338

    Vào thời điểm hòa bình 1954, Hồ Gươm thuần túy là nơi dạo mát của người Hà Nội, nơi nghỉ chân ăn kem của vài người từ nông thôn, chỉ đông đúc vài ngày lễ tết. Nhưng dần dần, người thất nghiệp, người vô gia cư, người buôn bán và người rỗi việc kéo đến ven hồ sinh hoạt ngày một nhiều. Hồ Gươm là căn nhà của họ suốt ngày đêm và nuôi sống hàng nghìn con người.

    Trong tấm bản đồ Hà Nội năm 1871 thời vua Tự Đức. Hồ Gươm còn khá rộng. Mặt nam vượt qua đường Hàng Khay. Mặt bắc tiến sát hồ Hàng Đào, nay là phố Hàng Đào. Góc tây bắc gần giáp với tường thành Hà Nội. Mặt tây giáp với Nhà thờ Lớn bây giờ. Còn mặt đông cách sông Hồng không xa. Xung quanh hồ Gươm, trừ khu vực đông bắc 36 phố phường, còn nhiều làng mạc và đầm lầy. Diện tích hồ cũng giãn nở theo mùa cạn và mùa nước.

    Thời phong kiến, do hồ rộng và sâu, quân đội thường ra đây tập trận, nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh về nước, năm 1427, đem thanh gươm báu ra Hồ ném trả thần rùa, nên còn gọi là hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm là cách gọi tắt. Phố phường mở rộng, người càng ngày càng đông đúc, hồ Gươm càng bị thu hẹp và hiện tại giới hạn bởi ba trục đường: đường Đinh Tiên Hoàng ( đông, bắc ), đường Hàng Khay ( nam ) và đường Lê Thái Tổ ( tây). Như vậy, hai ông vua và một phường thợ vây quanh hồ này.

    * * *


    Giờ Dần ( từ 3 – 5 giờ)

    Đầu giờ Dần, hồ Gươm hoàn toàn vắng vẻ. Thời điểm chiến tranh không có điện, nơi đây tối om như mực, chỉ có những cơn gió nhẹ lướt trên mặt hồ. Hiện tại, điện ven hồ thắp sáng đến 5 giờ sáng vào mùa hè và 6 giờ vào mùa đông.

    Mấy hàng cháo rong và nước trà rong, tập trung chủ yếu ở đầu Cầu Gỗ, Hàng Đào, Lương Văn Can, Đinh Tiên Hoàng lục tục dọn đồ về.

    Vài quán ăn sáng ở ba trục đường chính chuẩn bị dọn đồ, bán bữa sáng, vài chục ông bà già bắt đầu đi dạo. “Chợ chạy” bán hoa quả, luôn chuẩn bị tháo lui đầu phố Hàng Trống lác đác vài người. Từ 4 – 5 giờ sáng, quanh hồ Gươm người đi tập thể dục kéo ra nườm nượp, với hai câu lạc bộ chính: một ở phía bên trái nhà Thủy Tạ gần đài phun nước và bến xe, hai ở phía bên phải nhà Thủy Tạ tập Thái cực trường sinh đạo và Thái cực quyền. Môn Thái cực sinh ngày càng thưa thớt. Trái lại môn Thái cực quyền ngày càng phát triển. Cũng như nhiều nhóm nhỏ ven hồ, họ còn tập đủ loại thể dục chính quy và cải biên.

    Một cụ già chừng 80 tuổi, chit khăn đỏ, lưng giắt kiếm, tay cầm long đao, vừa chạy vừa hô vang hai ba vòng quanh hồ. Hà Nội đã tỉnh ngủ, ánh sáng bình minh dịu mát thay cho ánh sáng điện.

    Xưa, 4 giờ 30, những người ăn mày ngủ trên các toa tàu điện tỉnh giấc. 5 giờ kém 15, những người lái xe điện chuẩn bị cho tàu chạy. Ga tàu điện gần đài phun nước đường Đinh Tiên Hoàng có 4 chuyến tàu đi theo đường Hàng Khay, phố Huế đi chợ Mơ; theo đường Hàng Đào, Quán Thánh đi chợ Bưởi; theo đường Hàng Bông, Hàng Lược đi Hà Đông và đường Hàng Bông, Nguyễn Thái Học đi Cầu Giấy. Tiếng chuông xe điện leng keng qua nhiều phố, đánh thức những người còn ngái ngủ, Hà Nội tỉnh giấc. Tàu điện chỉ còn trong giấc mộng. Sau đó được thay thế bằng tàu điện bánh hơi. Phương tiện này không an toàn nên cũng bị bỏ không lâu sau.


    Giờ Mão ( từ 5 -7 giờ )

    6 giờ sáng, những nhóm thể dục, chạy bộ xuôi ngược về dần. Những lưới cầu lông được căng ra và các cao thủ còn thi đấu đến 7 giờ. “Chợ chạy” rất nhộn nhịp người mua, người bán và luôn có cảnh giằng qua giằng lại, khóc lóc của các cô bán hàng với trật tự viên. Những người quét rác bắt đầu khua chổi trên vỉa hè. Hàng quán ở bốn đường chính mở hết. Xe máy, xe đạp, ô tô tạo thành một vòng giao thông rầm rập quanh hồ đến chóng cả mặt. Hết giờ Mão, ló ra những người kiếm ăn ven hồ, họ ở lại đây cho đến tối mịt.


    Giờ Thìn ( từ 7 – 9 giờ )

    Người lớn đi làm, trẻ con đi học kéo dài đến 8 giờ, thì Bờ Hồ trở lại yên tĩnh. Từ 8 – 10 giờ là khoảng thời gian thư thái nhất của buổi sáng, vì trời mát, người thưa, hoa rất tươi như cười với người. Xuất hiện những “con bò lạc”, tức những cô gái nông thôn lỡ vận, ngơ ngác lần đầu ra thành phố. Họ có thể tìm được việc làm hoặc gặp được những người tốt. Bò lạc cùng vài thi sĩ thất tình ngơ ngẩn nhìn ra mặt hồ, chờ tăm cá. Vài người về hưu đi mua báo, ngồi lại ven hồ đọc.

    Các mậu dịch, cửa hàng quần áo, ăn uống, mỹ nghệ, hiệu ảnh bắt đầu náo nhiệt. Nhưng quanh hồ rất ít nhà dân, trừ Hàng Khay. Những người kiếm ăn quanh hồ đã bày biện dụng cụ hành nghề: bơm vá xe, cờ thế, quà vặt, quần áo cũ. Đầu phố Bảo Khánh, bà cụ làm búp bê đã cặm cụi khâu vá những con rối. Trông bà như mụ phù thủy trong chuyện cổ tích có vẻ độc ác mà rất hóm hỉnh đáng yêu. Bà đã mất vài năm.

    Phía đường Hàng Khay rất nhộn nhịp, nhiều người ra Tràng Tiền mua bán. Phía đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực bưu điện rất đông. Trên mảnh đất bưu điện, xưa kia là chùa Báo Ân do tổng đốc Nguyễn Đăng Giai hưng công xây dựng trong thế kỷ 19 năm 1886 – 1902. Pháp phá chùa, xây dựng Sở Bưu điện, kiến trúc Charlers Lichtenjelden vẽ kiểu. Ngôi chùa cũ chỉ còn lại tháp Hòa Phong bên Bờ Hồ. Bưu điện cũng được xây dựng lại, nhưng hơi cao nên mặt hồ nhìn từ đường Lê Thái Tổ trở nên thu hẹp.


    Giờ Tỵ ( từ 9 – 11 giờ )

    Bờ Hồ đông hẳn lên. Xuất hiện những người rỗi việc chán đời. Họ sẽ ở đây cho đến chiều tối, buổi sáng rất lờ đờ, nhưng buổi chiều rất linh hoạt. Lác đác trẻ con đi học về. Vào những ngày chiến tranh, quanh Bờ Hồ có những dãy hầm trú ẩn lớn. Lớn nhất là dãy hầm gần Công an quận Hoàn Kiếm, đoạn tiếp giáp bốn đường Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Bà Triệu và Tràng Thi. Dãy hầm chạy vòng ô van quây thành một thung lũng như sân bóng. Trẻ con sẽ đá bóng ở đây suốt từ trưa đến chiều, cũng như liên tục bị công an tịch thu và chặn bóng.

    Những hàng ăn trưa cơm nắm muối vừng, bánh cuốn, khoai sắn do các cô thôn nữ chừng 13 -14 tuổi và các bà già đi bán. Những cô này phần đông từ những huyện giáp ngoại thành Hà Nội như Phú Thị, Thường Tín. Họ phải dậy từ rất sớm, 3 giờ sáng để chuẩn bị đem hàng lên bờ Hồ. Hoặc ngủ lại các nhà trọ bãi Phúc Tân, Phúc Xá khoảng 1 – 2000 đồng / đêm, chế tác cơm ngay tại Hà Nội. Cập tuổi lấy chồng 17 – 18 các cô biến mất. Các cô được rất nhiều anh trung niên thất nghiệp quanh hồ có tình cảm, giúp họ ăn cơm ế lúc 3 giờ chiều, mà vẫn trả tiền đàng hoàng. Các hàng nước rong trang bị rất gọn nhẹ và phân tán đồ đạc khắp nơi, hoạt động như con thoi. Mặc dù rất nhiều công an, trật tự viên nhưng không tài nào dẹp được đám buôn bán vặt này. Họ được “nhân dân” bảo vệ. Thời chiến 11 giờ lại là giờ vắng nhất. Liên tục còi báo động và loa rất to ven hồ hô hào cảnh giác.


    Giờ Ngọ ( từ 11 – 13 giờ )

    Đường ven hồ lại rầm rập như buổi sáng. Những người đi làm về nhà. Vỉa hè bờ Hồ cũng đông người đến tận 12 giờ. Những người lang thang dạt sang hết hè đường bên kia. Khi người lớn đi ngủ, trẻ con lại đi chơi. Cởi truồng trèo cành phượng rồi tụt xuống hồ vẫy vùng là thú nhất. Hồ Gươm rất bẩn và nông, lội ra gần tháp Rùa mới ngập đầu. Gần bờ đầy gạch, vỏ chai và đồ hộp chìm trong lớp bùn có chỗ tới 50cm. Tháp rùa xưa đồn đại là cái mả Tầu. Mãi đến năm 1886 ông Bá Kim ( Nguyễn Ngọc Kim ) người làng Tự Tháp bỏ tiền ra xây. Tháp gồm ba tầng vòm cuốn rất trang nhã và được coi là biểu tượng của Hà Nội. Từ ngày được tu sửa, nó trở nên rất thô…

    Giữa trưa, các cao thủ cờ tướng và đám rỗi việc ngoại tỉnh bắt đầu các cuộc đấu cho tới chập tối. Mỗi ván vài nghìn. Đôi khi chơi cả ngày toàn hòa chả được đồng nào, nên không được coi là đánh bạc. Vừa ăn cơm nắm bán rong nhồm nhoàm, vừa chơi, tất cả đều được bưng đến miệng mà chỉ mất có vài nghìn. Một nắm cơm rất dẻo với chút muối vừng hoặc chút nước. Một miếng bánh đúc nhân lạc chấm tương. Một chiếc bánh mỳ giòn kẹp chả. Một đĩa bánh cuốn Thanh Trì nước mắm giấm ớt. Một cái bánh giò bọc lá nóng hổi. Sau đó là một chén nước chè đặc, điếu thuốc lào và một cái kẹo lạc. Đó là thực đơn bữa trưa Bờ Hồ. Thời bao cấp trong chiến tranh, trẻ con đói bữa trưa thường trèo cây hái quả. Bờ Hồ có vài loại quả ăn được. Me và sấu chỉ để nhấm nháp lúc no. Quả bé bằng hòn bi ăn ngọt như lê, ăn ít không sao nhưng ăn nhiều thì nôn ọe ra tất cả.


    Giờ Mùi (từ 13 – 15 giờ)

    Nếu vào mùa rét giờ này ven hồ rất đông. Còn vào mùa hạ thì rất vắng. Mọi người tránh nắng đến khoảng 4 giờ rồi tụ tập ven bờ phía Nam hồ, trước phía đường Lê Thái Tổ. Rất ít người có thói quen ngồi chơi bờ phía bắc. Trẻ con bắt đầu đi học chiều, người lớn đi làm chiều. Đường đông đến khoảng 14 giờ. Sau đó là không khí yên tĩnh. Những cuộc đoán và bàn bạc về số đề cho chiều nay diễn ra sôi nổi.

    Khu vực nhà đổ, đối diện với Thủy Tạ thời chiến tranh là một sân thể thao. Khu vực này bị bom thời chống Pháp còn lại bãi bằng và phế tích nhà đổ đến năm 1975. Người ta làm một sân bóng chuyền kiêm bóng rổ, kê nhiều bàn bóng bàn bằng đá cùng một bãi xà tạ ở đây. Người chơi không mất tiền, chủ yếu là thanh thiếu niên. Đám bóng bàn kéo đến từ trưa. Bóng rổ và bóng chuyền thì buổi sáng và chiều muộn. Từ chiều tối đến đêm khuya là cánh chơi xà tạ. Thanh niên khi đó lành mạnh. Nay nhà đổ đã bị san, một thương nhân nào đó đang định trồng vào đây một khách sạn cao tầng. Nhưng ven hồ thì không được phép xây cao, nên tòa nhà này vẫn dở dang. Thủy Tạ, trước là nơi giải khát rất thanh lịch của nhà nước, dưới gầm có nhà thuyền. Nam thanh nữ tú vào chiều tối thứ bảy chủ nhật bơi thuyền, đẹp mắt nhất là vào những năm 1960. Nay thì thuyền bơi vắng bóng, Thủy Tạ thành nơi ăn uống xô bồ.

    Cánh phó nháy tập trung gần đền Ngọc Sơn lăng xăng chào đón khách. Khu vực này kéo dài đến Hàng Đào, xưa rất nhiều thợ truyền thần và vẽ tranh. Những bức tranh truyền thần bằng mực nho và muội đèn tuyệt đẹp để hàng trăm năm vẫn tốt. Nay không còn thợ giỏi như vậy. Tranh vẽ ở Bờ Hồ có kỹ thuật vờn mặt nước rất trong. Sau trở thành loại tranh sơn thủy bán ở nhiều tỉnh, nhưng đều mang tên là tranh Bờ Hồ.


    Giờ Thân (từ 15 – 17 giờ)

    Ven hồ phía Nam, đông nghịt người cho đến tối. Hàng trăm bàn cờ chia thành nhiều nhóm huyên náo suốt gần Thủy Tạ đến đường Hàng Khay. Hàng trăm đám tụ họp nói chuyện trên trời dưới biển, đặc biệt là chuyện về những tiêu cực xã hội. Nhiều người lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ, như ở nhà bị bịt miệng ra đây xả hơi. Giờ này, xe đạp và xe máy rất dễ bị mất cắp. Cho nên có câu rằng: “Có vợ mà đi cho Tây / Khác nào xe đạp để ngay Bờ Hồ”. Những hàng nước thuốc rong đi lại như mắc cửi. Hàng quà vặt: ô mai, táo, mận, roi, khế bán rất chạy. Đền Ngọc Sơn cũng là nơi tụ tập đông đảo các tay cờ tướng và người già.

    Đền Ngọc Sơn vốn là chùa xây dựng từ thế kỷ 18 trên hòn đảo góc đông Bờ Hồ. Năm 1943, cải thành đền Ngọc Sơn thờ Tam thánh Quan Công, Lã Vọng, và Văn Xương, có lẽ do người Hoa đưa vào. Người Việt sau đưa Trần Hưng Đạo vào thơ. Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu tu sửa như hiện nay. Chống mê tín dị đoan, cũng như ở Văn Miếu người ta bỏ tượng Khổng Tử và Tứ phối, các tượng Tàu bị cất vào kho. Nay mọi thứ đã phục hồi. Đối diện với đền Ngọc Sơn là phương đình với tấm bia thờ Alexandre de Rhodes. Người ta đã phá phương đình này để xây nhóm tượng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

    Trên hè đã đông, dưới đường cũng rầm rập xe đi làm về. Giờ ghi đề đóm đã đến đỉnh cao. Rác thải và phóng uế ra gốc cây, mặt hồ tới tấp. Những cơn gió mát thổi đầy mặt hồ xua tan khí độc do hàng vạn con người thải ra đặc quánh. Đầu giờ gà lên chuồng, nhiều người ra về đi chợ, nấu cơm, hàng quán bán đêm rục rịch chuẩn bị.


    Giờ Dậu (từ 17 - 19 giờ)

    Thời còn xe điện, các tuyến xe giờ này vào ra ga Bờ Hồ tấp nập. Năm 1885, quân đội Pháp chỉ có ba xe ngựa kéo. Năm 1886, Hà Nội có hai xe ô tô. Năm 1889, Công ty Thổ địa Đông Dương đặt đường xe điện Hà Nội, lấy Bờ Hồ làm trung tâm, đi Bưởi dài 5,5 km, đi Bạch Mai dài 3,5 km, đi ấp Thái Hà dài 4,2 km (năm 1904 mới nối đến Hà Đông dài 10km). Năm 1909, mở tuyến xe Yên Phụ - Kim Liên. Năm 1943, tuyến Kim Liên – Bạch Mai. Ngày 10 – 11 – 1901, tàu điện bắt đầu chạy ở Hà Nội. Và sau này thêm tuyến đi Cầu Giấy.

    Thời chiến tranh, loa công cộng phát tín hiệu “tit, tít” lúc 6 giờ sáng, 18 giờ tối và 21 giờ tối. Chập tối mùa đông, những gia đình ăn mày đi tìm chỗ ngủ. Đám lang thang rút về các xó xỉnh riêng. Số ít ngủ lại ven hồ. Vài kỳ thủ hiếu thắng sẽ chơi cờ từ giờ đến sáng. Các hàng giải khát bắt đầu đông đúc. Sự thanh lịch giàu có bắt đầu thay thế sự thất thểu và thất nghiệp.

    Cuối giờ Dậu, hè phố vắng dần. Xuất hiện những ông già Tàu bán phá xang (lạc rang). Phá xang của họ thơm và giòn trải hạt như nhau, có hai loại ngọt và mặn. Họ bán từ khi còn trẻ đến lúc già, nhưng vị lạc không thay đổi. Sau năm 1979, họ ra đi đem theo cả hương vị không chỉ của phá xang, mà cả bánh chín tầng mây trong dẻo, bánh bò thơm xốp, táo khế dầm rắc muối ớt hấp dẫn và quẩy ròn cho vào miệng là tan.

    Đầu hòa bình, quanh Bờ Hồ, để tưởng nhớ miền Nam, người ta trồng rất nhiều dừa, xirô bằng gỗ. Nam thanh nữ tú dạo thong thả dạo gót bên bờ hồ, nói chuyện tương lai. Cảnh tượng lúc ấy thật thanh bình. Các rạp chiếu bóng Hòa Bình, Công Nhân, Kim Đồng, Tháng Tám gần Hồ Gươm lúc nào cũng đông.


    Giờ Tuất (từ 19 – 21 giờ)

    Dân các phố cổ no cơm, tràn ra hồ đi dạo. Trẻ em đòi đi ăn kem ở hiệu bốn mùa, Thủy Tạ và kem Hòa Bình, không quên nhặt que kem làm lồng vê và đánh chuyền. Các quán nước rong lại nhộn nhịp. Chợ đồng cô nhộn nhịp nhất vào khoảng năm 1976 – 1980, bên vườn hoa cạnh Tháp Bút, đối diện Sở Văn hóa. Tức là toàn các cặp đàn ông cặp kè với đàn ông, mà bây giờ người ta gọi là “Pêđê”. Bây giờ đèn điện bên đường tương đối sáng, nhưng trong khoảng 30 năm về trước, quanh hồ tối um, với vài bóng điện đỏ lừ. Nếu vào đêm trăng không có điện thì Hồ Gươm lại tuyệt đẹp. Vào mùa hè, tiếng ve kêu râm ran quanh hồ suốt từ trưa đến tận đêm. Đây là giờ trẻ con đi bắt ve vừa lột xác.

    Cùng với đền Ngọc Sơn, Thủy Tạ là một kiến trúc ven hồ mang dáng dấp vừa truyền thống vừa hiện đại, có khối hình cong như chiếc móng ngựa uốn theo vành tròn Bờ Hồ. Tầng sát nước là nhà thuyền, tầng một có bao lơn nhìn ra mặt hồ, tầng hai là giàn hoa với những dây cột rất thoáng và đẹp, khoảng giờ Tuất này, đèn thắp trùm lên Thủy Tạ tạo ra một khối sáng lung linh soi bóng xuống Hồ Gươm. Song phần hồ nơi đây cũng tụ rất nhiều rác. Cuối giờ Tuất, vào mùa đông, Bờ hồ lạnh ngắt và thưa thớt, vào mùa hè còn đông người đến đầu giờ Hợi.

    Nếu chương trình vô tuyến có phim hay hoặc bóng đá quốc tế, thì hồ vẫn còn vắng vẻ. Ngày lễ tết, khoảng giờ này thỉnh thoảng có tổ chức bắn pháo hoa. Những chùm sáng muôn sắc tỏa rực rỡ bầu trời Hồ Gươm như sao sa.


    Giờ Hợi (từ 21 – 23 giờ)

    Hà Nội đang lui dần vào giấc ngủ. Những năm nước thiếu, điện cắt, đây mới là giờ các bà các cô đi giặt giũ, hứng nước. Những chuyến xe điện cuối cùng chạy về bến chính và đậu qua đêm, làm ngôi nhà tạm cho dân lang thang. Bến tàu điện nay thành bãi đỗ xe qua đêm. Những người bán chí mà phù và lục tào xá, người bán ngô rang, lạc rang rong, tiếng rao văng vẳng trong đêm vắng. Quanh hồ yên ả, mặt nước thở nhẹ nhàng theo những đợt gió đêm. Tiếng chuông điểm giờ từ Nhà thờ lớn và Bưu điện nghe rất rõ.

    Khi con người đi ngủ, cây cỏ động vật lại bừng tỉnh, những cây me, sấu, liễu, nhội, đa, đề, gạo, xà cừ rung rinh rũ bụi và thì thào với nhau. Chuột chạy tung tăng từ cống ra thảm cỏ. Rùa, ba ba, cá tôm quẫy mạnh dưới mặt nước. Không ai để ý đến sự sống sôi động thực sự này. Trước đây, chim chóc làm tổ ở cây cối rất nhiều, nay vắng bóng. Vào những đêm mưa bão, cảnh tượng bờ hồ buồn thê thảm. Đèn vụt tắt, cột đèn reo lên như muốn dứt tung những hàng dây, cây nghiêng ngả. Lá rụng tơi bời. Gió và mưa lùa những người ăn mày cuốn chặt trong đám bao tải và ni lông rách nát.


    Giờ Tý (từ 23 giờ đêm – 1 giờ sáng)

    Người Hà Nội đã ngon giấc. Những hàng cháo và chân gà đêm xuất hiện cùng vài hàng nước chè tập trung ở kh vực đầu Lương Văn Can, Hàng Đào. Họ sẽ bán cho tới sáng. Khách ăn là những thi sĩ sau năm bảy tuần rượu mà vẫn mất ngủ, những đôi nam nữ đi ăn sương mệt dừ trở về và đám thanh niên cờ bạc không phân biệt ngày hay đêm.

    Những người này tạo ra một Hà Nội về đêm quanh hồ bất kể đông hay hè. Các phố lân cận Tô Tịch, Cầu Gỗ, Lò Sũ, Nguyễn Hữu Huân cũng nhiều quán như vậy. Ánh sáng nê-ông từ những công sở ven hồ hắt xuống mặt nước thành những vệt sáng dài. Có lẽ bạn phải xem bức tranh “Đêm giao thừa bên Hồ Gươm” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, mới thấy vẻ đẹp đêm Hồ Gươm. Gió hồ lúc này rất lạnh và muỗi cũng rất nhiều. Những ngôi nhà cao tầng phía xa nhấp nháy đèn đỏ. Hàng đèn tròn ven hồ trong vắt. Mặt nước im lìm và đền Ngọc Sơn đang thiêm thiếp ngủ tỏa ra hơi trầm cổ kính.


    Giờ Sửu (từ 1 – 3 giờ sáng)

    Ven hồ chỉ còn ít tiếng dế kêu. Thời không có điện, nơi đây tối đen như ở nông thôn, chỉ vẳng nghe tiếng chuông nhà thờ lớn cứ 15 phút điểm một lần. Cầu Thê Húc vặn mình răng rắc. Chùa Bà Đá, đình Sông Hương, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, chùa Vũ Thạch le lói ánh đèn dầu. Tháp Hòa Phong trầm mặc như tháp Chàm. Những di tích còn lại ít ỏi của hồ Thủy Quân cổ kính. Không còn ai đi lại ven hồ. Vài chú bảo vệ gật gù bên ngưỡng cửa những cửa hàng và công sở. Cuối giờ Sửu, Bờ Hồ chuẩn bị thức giấc.

    * * *

    Ít có nơi nào ở Thăng Long có sự đan chồng của nhiều tầng văn hóa như Hồ Gươm. Có tầng văn hóa phong kiến chút tàn dư và ngày càng bé nhỏ trong kiến trúc hiện đại. Có tầng văn hóa thời Pháp thuộc với phong cách kiến trúc Thuộc địa, còn gọi là phong cách kiến trúc thực dân. Cái tên thì không hay, nhưng kiến trúc thì rất đẹp. Các tòa nhà như Bưu điện cũ, ngân hàng, tòa Bắc Bộ Phủ, Bách hóa Tổng hợp, nhà Khai Trí Tiến Đức kết cấu rất súc tích và bề thế dù quy mô không lớn. Tầng văn hóa hiện đại với những kiến trúc hình hộp có cái gì đó chưa thật định hình. Con người Hà Nội sống vên hồ cũng thay đổi nhiều. Nguồn gốc Hà Nội cũ cũng mai một dần. Dân các nơi đem vào đây đủ màu sắc văn hóa từ địa phương họ, đặc biệt là dân tứ xứ, bám ven hồ kiếm sống. Với hàng ngàn người, không phải không ảnh hưởng đến cái đời sống, mà “quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”.


    Phan Cẩm Thượng

    Nguồn: Hà Nội 36 góc nhìn



    School@net



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.