Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Hàng loạt những bất cập của nền giáo dục Việt Nam
08/02/2013

(GDVN) - "Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh chỉ ôn thi 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Tôi cho rằng điều này rất không ổn. Tại sao không khuyến khích đam mê của học sinh bằng việc cho phép các em đăng kí từ 1 đến 3 môn khác khi thi vào cấp III để khuyến khích đam mê của học sinh đối với môn học đó".


LTS: Chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam” của Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trên toàn quốc. Trong đó độc giảNguyễn Văn Quốc, một người cập nhật thường xuyên thông tin liên tục của báo, yêu thích chuyên mục: "Thất vọng và kì vọng về giáo dục Việt Nam". Hiện tại, Nguyễn Văn Quốc đang là giáo viên dạy bộ môn lịch sử tại Trường cấp II thuộc tỉnh Bắc Ninh. Độc giả tâm sự: "Trong tôi đã bức xúc từ lâu về thực trạng nền giáo dục nước nhà. Tôi xin tâm sự với quý báo về những bất bình của cá nhân mình về một số vấn đề của nền giáo dục nước ta hiện nay ở cấp học mà tôi đang trực tiếp tham gia". Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả nêu trên.

Chương trình sách giáo khoa có nhiều bất cập

Lịch sử là bộ môn quá tải cả về dung lượng kiến thức và thời gian dạy từ SGK lớp 6 đến lớp 9. Đó là một số nội dung kiến thức quá “người lớn” so với lứa tuổi các em. Có lẽ đây cũng là vấn đề chung của nhiều cuốn SGK khác hiện nay. Nội dung đề kiểm tra chủ yếu là kiến thức không thực sự hấp dẫn học sinh, rất vắng bóng những câu hỏi mở như: "Em hãy viết một đoạn văn về nhân vật lịch sử mà em yêu quý nhất hay căm ghét nhất và nêu rõ lí do vì sao?".

Đề kiểm tra cũng rất thiếu vắng các câu chuyện lịch sử với các nhân vật sự kiện điển hình để giáo dục thái độ tình cảm, nhân cách các em. Như câu chuyện về Trần Hưng Đạo gạt bỏ mâu thuẫn cá nhân để bảo vệ đoàn kết đánh giặc ngoại xâm và rất rất nhiều câu chuyện hấp dẫn khác nữa. Các câu hỏi sau bài học trong SGK cũng chỉ nghiêng quá nhiều về các sự kiện mà quên đi mảng khai phá, định hướng tình cảm, thái độ của học sinh đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử… Các đề kiểm tra còn yêu cầu học sinh làm bài mà không đuợc sử dụng sách vở tài liệu. Điều này ép buộc học sinh thành một cái ổ cứng máy vi tính khiến các em rất sợ giờ kiểm tra.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Môn Toán có nhiều bài khó gây stress căng thẳng không cần thiết cho học sinh. Ngày xưa khi tôi học xong lớp 12, bước vào đời mới thấy mình đã học quá nhiều thứ mà không cần thiết. Ví dụ chúng tôi được học đạo hàm, tích phân, vi phân, hình học không gian… Nhưng khi vào cuộc sống thực tế tôi chỉ sử dụng: cộng, trừ, nhân, chia. Vì vậy tôi mong rằng cuộc cải cách tới đây cần xem xét kĩ lưỡng vấn đề này.

Tôi mong rằng nếu những học sinh không biết gì về toán cao cấp thì đến giờ toán có thể được phép lên thư viện nhà trường đọc sách, chơi thể thao hoặc nghỉ ngơi dưới sự quản lý của nhà trường. Điều này tránh tình trạng học sinh không biết gì vẫn phải ngồi nghe, rồi mất trật tự, bị phạt gây ảnh hưởng đến các bạn học sinh khác. Tôi cho rằng có những môn bắt buộc phải học như: Giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục công dân, lịch sử, khoa học về sức khoẻ con người… Như vậy, có những môn cần phải bắt buộc ở kiến thức tối thiểu còn kiến thức cao hơn có thể cho các em lựa chon theo niềm đam mê không nên ép buộc quá nặng.

Trong môn vật lý thì các em cần phải nắm được các quy tắc an toàn về điện… còn kiến thức vượt quá khả năng tư duy của các em chúng ta không nên ép buộc mà để tự nguyện.

Là giáo viên lịch sử nhưng do thực tế công tác tôi đã từng dạy cả môn văn. Bản thân tôi thấy SGK văn rất nặng nề về kiến thức. Ví dụ thay vì cảm nhận vẻ đẹp tình cảm, tâm hồn, cảnh vật con người trong một tác phẩm văn thơ thì tôi lại thấy các em phải tìm hiểu cả biện pháp nghệ thuật giống như đào tạo các em kĩ thuật chế tạo văn chương vậy. Tất nhiên điều đó không sai nhưng tôi cho rằng nó không hợp lý khi sức cảm nhận của các em là rất có hạn và thời gian cho một tiết học ở trên lớp chỉ là 45 phút.

Vấn đề dạy thêm, học thêm trong chương trình ôn thi vào lớp 10

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh chỉ ôn thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Tôi cho rằng điều này rất không ổn. Tại sao không khuyến khích đam mê của học sinh bằng việc cho phép các em đăng kí từ 1 đến 3 môn khác khi thi vào cấp III để khuyến khích đam mê của học sinh đối với môn học đó. Ví dụ học sinh giỏi sinh học, Vật lý, Hoá học hay Lịch sử có thể được đăng kí thêm môn đó khi thi vào cấp III. Tất nhiên sẽ tính thêm hệ số điểm hợp lí, thậm chí có thể cho các em quyền thay thế một trong hai môn văn hoặc toán bằng một môn khoa học cơ bản cùng khối A hoặc khối C thuộc sở trường của các em.

Tôi cho rằng, không phải tất cả các phát kiến vĩ đại của con người đều chỉ thuộc lĩnh vực toán học hay văn học mà còn có sinh học, vật lý, hoá học, âm nhạc… Tại sao chỉ buộc các em thi là toán, ngữ văn, tiếng Anh mà không có lựa chọn mở cho các em? Thật là phiến diện! Thật là ép buộc! Cần phải xem xét vấn đề này nghiêm túc.

Vấn đề tuyển dụng giáo viên và tuyển dụng cán bộ công chức viên chức

Tôi cho rằng vấn đề này phải hoàn toàn công khai và thậm chí truyền hình trực tiếp nếu thấy cần. Từ trước đến nay chúng ta cứ quen xét tuyển giáo viên qua tấm bằng nhẵn bóng mà không biết kiến thức, giọng nói chữ viết của giáo viên tương lai đó có phù hợp với môn học mà họ sẽ giảng dạy hay không?

Điều này dẫn đến tình trạng có những giáo viên viết chữ như lên dốc, xuống dốc, có người giảng văn học nhưng giọng nói cứng như thép, giáo viên tiếng Anh thì phát âm quá xa lạ so với tiếng Anh trong thực tế.



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6991

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn