Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA - TRƯỜNG SA- PI
13/09/2012

Tham luận tại Hội thảo về Biển Đông ngày 28/8 tại Hà Nội

Những bằng chứng văn bản nhà nước, chính sử, địa chí, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa & Các giải pháp giải quyết ở Biển Đông*

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học


1. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909 qua châu bản, văn bản chính quyềntừ trung ương đến địa phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909 có sách ghi điển chế, luật định của triều đình định lệ hàng năm sai thủy quân đi xác lập, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa , Trường Sa.

3. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909, chính sử,sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

4. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909, lại có nhiều tư liệu phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước và của chínhTrung Quốc ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

5. Chưa hề có nước nào như Việt Nam mà người phương Tây và nhà nước Việt Nam từ thế kỷ 19 trở về trước đã vẽ bản đồ xác định rất rõ “Paracel tức Hoàng Sa” và ghi chú Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam tức Việt Nam.

Mặt mạnh của Việt Nam về tranh cãi chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa là học thuật nắm rất chắc sự thật lịch sửquá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa. Song Việt Nam chưa làm tốt, quảng bá rộng rãi , phát huy tác dụngmặt mạnh của mình.

Nếu làm được như thế thì ngay cả nhân dân Trung Quốc nếu muốn trái đất này và ngay cả đất nước mỉnh tồn tại và phát triển, không thể để xảy ra bi kịch Á Châunhư các học giả quốc tế trong Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ ba vừa qua tại Hà Nội ái ngại xảy ra nhưbi lịch Ấu châuthế kỷ trước vì sự hung dữ của chính quyền ở Châu Ấu. Mọi nước phải tôn trọng sự thật và lẽ phải, không thể chấp nhận sự hung dữ, trái với luật pháp quốc tế như chính quyền Trung Quốc hiện nay.

Về pháp lý quốc tế nhất là hiệp định Genève lại có khả năng phản bác luận điểm mạnh nhất của Trung Quôc cũng như Hiến Chương LHQ cấm sử dụng võ lực và Công Uớc LHQ về Luật biển năm 1982.

Như chúng ta đã biết năm 1909, Chính quyền Quảng Đông tuyên bố “Paracel” là đất vô chủ (res- nullius),đã cho tàu chiến đến thám sát, thực hiện chủ quyền theo cách thức Phương Tây như bắn 21 phát súng đại bác, cắm cột mốc chủ quyền, khi ấy Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất quyền tự chủ ngoại giao. Trước đó, năm 1898 Trung Quốc đã nêu lý do “Paracel” không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đã dứt khoáttừ chối yêu cầu của công ty bảo hiểm Anh đòi Trung Quốcbồi thường việc dân Hải Nam hôi của tàu Le Bellona của Đức đắm năm 1895 và tàu Imazi Maru của Nhật đắm năm 1896.

Sự thật là thế và bởi “Paracel” khôngthuộc chủ quyền Trung Quốc, nên các bằng chứng của Trung Quốc đưa ra hoàn toàn mang tính suy diễn, xuyên tạc, hoàn toàn không đúng sự thật. Việc đăng ký chính thức “Đường Lưỡi bò” và “thành lập Thành phố Tam Sa”đãkhông dựa vào sự thật lịch sửcũng như không cóbất cứ cơ sởpháp lýquốc tế nào!

Chính vì vậy, từ năm 2011, tôinỗ lực tập hợp một tập hồ sơ tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Hoàng Sa dịch ra tiếng Anh và sau đócác thứ tiếng như tiếng Trung, Pháp…Ngày 16/6/ 2012 tại Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Harvard, tôi đã đặt vấn đề làm sao nhanh chóng giúp tôi hoàn chỉnh bản tiếng Anh tập hồ sơ này, thì được trả lời phải thuê một ngườihay nhóm người tập trung nhiều tháng mới làm xong được. Song cho đến nay bản dịch Tiếng Anh vẫn chưa hoàn chinh.

Tập Hồ sơ tư liệu được tóm tắt 11 trang và toàn văn hơn 500 trang, bao gồm nguyên văn Bản phân tíchsự tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa của Quân Đội Mỹ ở Thái Bình Dương năm 1960, các đoạn trích nguyên văn 37 cuốn sàch địa lý, du ký của Phương Tâytừ thế kỷ 19 trở về trước, 3 bài tham luận chọn lọc trong các hội thảo ở trong và ngoài nước cùng toànvăn luận án tiến sĩ sử học bao gồm cả các phụ bản“ Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hòang Sa & Trường Sa” của tác giả.

Tập Hồ sơ tư liệu Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa bằng Tiếng Anh này chứa đựng những măt mạnh, cụ thể như sau:

1. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909 qua châu bản, văn bản chính quyềntừ trung ương đến địa phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỉ XIX), là các văn bản của triều đình nhà Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc… Chẳng hạn như Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trong Châu bản tập Minh Mạng số 54, trang 92 có đoạn viết: “vua Minh Mạng ra chỉ dụ giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác hay phạt 80 trượng giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Trong khi đó lại thưởng dân binh đội Hoàng Sa Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa”. Hoặc như Dụ ngày 13 tháng 7 Minh Mạng 18 (1837) trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245 có đoạn cho biết trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ hoạ đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm bốn tên can tội đã có chỉ phạt trượng, còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương dân phu mỗi tên 2 quan tiền. Cùng với đó còn có Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836 ) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Vua cũng phê rằng “thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận Anvào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa”. Hoặc Tấu của tỉnh Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7 Minh Mạng 19 (1838) xin miễn thuế cho hai chiếc “bổn chinh thuyền”. Trong tập Châu bản Minh Mạng số 64 trang 146 có đoạn viết rằng ngày 19 tháng 7 Minh Mạng thứ 19 (1838): “Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho hai chiếc “bổn chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từhạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về”.

Gần đây, một gia đình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đã trao tặng Bộ Ngoại giao một văn bản là giấy lệnh viết trên hai tờ (bốn trang), đây là tờ tư và tờ lệnh công tác Hoàng Sa của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi (triều vua Minh Mạng vào năm 1834), ghi rõ ông Võ Văn Hùng đã tuyển chọn một bọn gồm 10 người, đứng đấu là Đặng Văn Siểm, người thôn Hoa Diêm, phường An Hải huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.

Tại Huế cũng mới phát hiện tờ Tâu số 664 ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939) của Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Nội các thời Minh Mạng, tâu xin vua Bảo Đại phê chuẩn thưởng tặng cho người có công phòng thủ Hoàng Sa, thể hiện sự thực thi chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa (Paracels) suốt triều Nguyễn từ vua đầu tiên Gia Long đến vua cuối cùng Bảo Đại. Đây là tờ Châu bản thời Bảo Đại, đánh máy bằng chữ quốc ngữ, với lời phê: “Chuẩn y” và chữ ký tắt BĐ (Bảo Đại) đều bằng bút chì màu đỏ, khổ giấy cỡ 21,5x31,0cm.

Gần đây nhất, với công trinh nghiên cứu khoa hoc :« Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa-Thành Phố Đà Nẵng »,TS Trần Đức Anh Sơn vừa công bó một số phát hiện mới cuả ông Trần Văn Quyền, giảng viên Khoa Xã Hội,ĐH Phú Xuân Huế đã phát hiện quyểnsách « Khải đồng thuyết ước » , sách giáo khoa dạy trẻ học vỡ lòg bang chữ Hán , khắc in thời vua Tự Đức thứ 6 , năm 1853,trang15-16 có vẽ Hoàng Sa .

Châu bản triều Nguyễn ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)

Dịch nghĩa:Bộ Công tâu:

Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến [Hoàng Sa để] đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, [Bộ thần] đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bầy cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bày chi tiết của Phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy và khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về.

Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài [hạn định] đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. [Bộ thần] căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ. Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo.Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.

Xuất xứ: Bộ Công. Nơi lưu trữ: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Ký hiệu: Tập 68, tờ 21.

2. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909 có sách ghi điển chế, luật định của triều đình định lệ hàng năm sai thủy quân đi xác lập, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa , Trường Sa

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 221 như sau: “Nămthứ 17 (Minh Mạng,1836) chuẩn y lời tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểmyếu. Minh Mạng năm thứ 15, đã phái biền binh thủy quân và giám thành đến nơi xem xét, vì có gió lụt, nên chưa thăm dò được nơi đích xác. Năm qua lại phái ra và đã dựng miếu, dựng bia. Còn việc hoạ đồ chỉ được một chỗ chưa được rõ ràng. Có lẽ hàng năm cần phải đi thám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Nay cần tư cho Quảng Ngãi, Bình Định chiếu lệ năm trước, thuê bắt thuyền dân và bắt người đi trước đều đều đến tỉnh Quảng Ngãi, vẫn phái biền binh thủy quân và giám thành cưỡi một chiếc thuyền sơn đen lái đến đích Chữ Hoàng Sa. Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đếm nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi đều bao nhiêu và bốn bề nước bể nông hay sâu? Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở hình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường, vẽ thành dồ bản. Lại chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trong phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bào nhiêu dặm đường? Lại ở chốn ấytrông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? Là phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để vẽ trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.

3. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909, chính sử,sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước hếtĐại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, có đoạn viết: “Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm thấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Xương phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta, sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức lượng hầu viết thư đáp lại nước Thanh. Ngoài biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau một ngày đi thuyền, hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Ởbãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải xâm, đồi mồi... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kì tháng Tám thuyền cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá…”.

… “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của qúy ít khi lấy được..

“Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu, đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu, gởi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, đội Cát Liềm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có tám tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để hai tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu [chép nhầm, chính là Nguyễn Phúc Khoát] sai cai bạ Thuận Hoá là Thức lượng hầu làm thư trả lời” (quyển 2, từ tờ 82b - 85a).

Sangtriều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp, có rất nhiều tài liệu chính sử, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưDư địa chí (1821) của Phan Huy Chú - nhà nghiên cứu bách khoa của Việt Nam đã viết cuốn này trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Lịch triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo bách khoa lịch sử lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam. Chính Dư địa chí quyển 5, ở phần Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa. Hầu hết nội dung nói về phủ Tư Nghĩa là nói đến Hoàng Sa. Chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa hồi bấy giờ. Qua nội dung Phan Huy Chú đã viết, thấy rất rõ ông đã sử dụng sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúi Đôn, đã tóm gọn nhiều nội dung của sách này. Ngoài tả cảnh vật của Hoàng Sa, ông cho biết: “Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 tên cũng lấy dân An Vĩnh luân phiên sung vào”. Song có dị bản đã chép nhầm tháng giêng thay vì tháng ba, như Phủ biên tạp lục cho biết hàng năm “từ tháng ba đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ cũng 3 ngày 3 đêm bằng 5 chiếc tiểu điếu thuyền đến Hoàng Sa rồi cũng tháng tám về đến cửa Eo tới thành Phú Xuân và cũng mang theo lương thực cho 6 tháng”. Hoặc Hoàng Việt dư địa chí (1833) không đề tên tác giả, thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau đó được tái khắc in nhiều lần. Người ta thấy nội dung có nhiều điều giống Dư địa chí, song đôi chỗ có khác nhau về từ hoặc thêm, bớt và nhất là cách trình bày. Thay vì Dư địa chí gồm 5 quyển, thì Hoàng Việt địa dư chí chỉ có hai quyển với cấu trúc khác nhau. Hoặc Đại Nam thực lục phần tiền biên quyển 10, soạn năm 1821 khắc in năm 1844 của Quốc sử quán triều Nguyễn tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội quân Hoàng Sa và đội Bắc Hải. HoặcĐại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ khắc in năm 1848, đệ nhị kỉ khắc in xong năm 1864, đệ tam kỉ khắc in xong năm 1879) của Quốc sử quán triều Nguyễn có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.

- Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (soạn xong năm 1882, năm 1910 soạn lần hai và khắc in) cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội quân Hoàng Sa và đội quân Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.Trong quyển III Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Ngoài ra trong các bản đồ của Việt Nam như Đại Nam thống nhất toàn đồ có vẽ Hoàng Sa và Vạn lí Trường Sa trong cương vực của Việt Nam...

4. Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam trước năm 1909, lại có nhiều tư liệu phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước và của chínhTrung Quốc ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể nêu ra đây một số tài liệu chính như: - Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.Hồi ức về Nam Kỳ (Le Mémoire sur Cochinchine) của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào các năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracel.Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cùng tôn giáo, cách cư xử và tập quán của họ (Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes) của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm 1816.Tạp chí Hiệp hội châu Á Bengal quyển VI (The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI) đăng bài của Giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.Tạp chí Hiệp hội Địa lý Luân Đôn năm 1849 (The Journal of Geographycal Society of London) đăng bài của Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels…

Ngoài ra, gần đây người ta còn phát hiện gầntrăm đầu sách địa lý của phương Tây ghi rõ Paracelthuộc “Vương quốc AnNam”, được viết bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... Có thể kể các cuốn tiêu biểu như: Biagio Soria với Vũ trụ học lịch sử, thiên văn học và vật lý quyển VI (La cosmografia istorica, astronomica e fisica, tomeVI - Napoli, 1828), Adriano Balbi & Malta Brun… với Bản tóm tắt mới về địa lý (Nuovo Compendio di geografia - Milano, 1865); Wilhelm Hoffmann với Mô tả về Trái Đất (Beschreibung der erde - Stuttgart, 1832); Carl Ritter với Tên và quyền sở hữu, sách Địa lý châu Á của Carl Ritter (Namen und Sach Derzeichnik zu Carl Ritter’s Erdkunde von usien - Berlin, 1841); Thomas Keith với Hệ thống địa lý (A system of geographia - London, 1826); cùng các cuốn sách khác như: Từ điển địa lý mô tả tất cả các khu vực trên thế giới (Dictionnaire géographique universel contenant la description de tous les lieux du globe quyển VII - Paris 1830); Những lá thư khai trí về châu Á, châu Phi và châu Mỹ quyển 3 (Lettres édifiantes et curieuses concernant l’Asie, l’Afrique etl’Amérique, Tome 3 - Paris, 1843); Phần hiện đại của lịch sử thế giới quyển 7 (The modern part of an universal history Vol 7 - London 1759)…

Về chính tài liệu của Trung quốc trước tiên là Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 .Trong quyển 3 của Hải ngoại kỷ sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và đã khẳng định Chúa Ngãi đã hành sử chủ quyền của mình trên quần đảo này như sau:

“Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn Lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền lui tấp vào. Mùa thu nước dâng cạn, chảy rút về hướng Đông bị một ngọn sóngđưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ Trường Sa”.

Thích Đại Sán đã kể lại kinh nghiệm hải trình qua vùng Hoàng Sa tức Vạn Lý Trường Sa và cho biết ước lượng khoảng cách từ vùng Hoàng Sa đến Đại Việt khoảng bảy ngày đường. Những tài liệu của Việt Nam như đã cho biết giữa các đảo phải đi đếnmất 1 ngày đường, nên nếu phải trải qua hàngtrăm dặm tớiĐại Việt đi mất tới 7 ngày đường, trong khi từ bờ biển Việt Nam đi tới đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa chỉ mất 3 ngày 3 đêm là hợp lý.

Thích Đại Sán viết “Thời Quốc Vương trước, ở đây hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền bị đắm ở Vạn Lý Trương Sa” cũng phù hợp với các tài liệu Việt Nam về hoạt động đội Hoàng Sa, song rõ hơn là xác định thời gian trước thời Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), có nghĩa là ít ra cũng ởthời Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) hoặc các Chúa Nguyễn khác. Trong thời gian này, chưa có tranh chấp nên Thích Đại Sán là người Trung Quốc đã có thái độ khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với Hoàng Sa nhưtrình bày ở trên. Cũng như các phần lãnh thổ khác của Đại Việt, chẳng bao giờ có các văn bản của triều đình Trung Quốc xác nhận. Truyền thống chiếm hữu lãnh thổ của phương Tây cũng chẳng bao giờ công bố cho các nước khác được biết. Chỉ có thực tế lịch sử xảy ra như thế nào thì những người am hiểu tường tận như Thích Đại Sán biết rõ sự việc xảy ra ở Đại Việt xứĐàng Trong đã ghi nhận như thế.

Sau đó đến các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc.

Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả các bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa hay bất cứ các đảo nào mà Trung Quốc suy diễn là Tây Sa và Nam Sa có nằm trong các bản đồ cổ ấy. Tất cả các bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc.

Chẳng hạn ngoài bản đồ được dư luận quan tâm còn rất nhiều bản đồ cổ khác của Trung Quốc như Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư đồ của La Hồng Tiên quyển 1, thực hiện năm 1561, phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.

- Thiên hạ thống nhất chi đồ đời Minh trong Đại Minh nhất thống chí, năm 1461, quyển đầu, đã vẽ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam .

- Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ đời Minh, trong Hoàng Minh chức phương địa đồ của Trần Tổ Thụ, năm 1635, quyển thượng đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

- Lộ phủ, châu huyện đồ đời Nguyên vẽ lại trong Kim cổ dư đồ của Nguyễn Quốc Phụ đời Minh, năm 1638, quyển hạ đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

- Hoàng triều phủ sảnh, châu, huyện toàn đồ đời Thanh, khuyết danh, năm 1862, vẽ theo Nội phủ địa đồ gồm 26 mảnh mang tên Đại Thanh Trực Tỉnh Toàn Đồ" đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

- Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ trong tập Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ (khuyết danh), năm 1894, đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

- Quảng Đông tỉnh đồ trong Quảng Đông dư địa toàn đồ, do quan chức tỉnh Quảng Đông soạn năm 1897, có lời tựa của tổng đốc Trương Nhân Tuấn đều không thấy bất kỳ quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa.

- Đại Thanh đế quốc, trong tập Đại Thanh đế quốc toàn đồ do Thường Vụ An Thư Quán Thượng Hải, 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910, đã vẽ phần cực Nam lãnh thổ Trung quốc là đảo Hải Nam .

- Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (1909), cũng như bản đồ trên đã vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam .

Sau năm 1909, nhiều bản đồ Trung Quốc đã vẽ Tây Sa, Nam Sa trong lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó có Trung Quốc cương giới biến thiên đồ năm 1939, đã vẽ ranh giới thuộc quốc đời Thanh xuống tận gần Indonesia, gồm cả Triều Tiên.

Ngoài ra, một số tư liệu cổ mà Trung Quốc trưng ra để chứng minh sự phát hiện sớm của người Trung Quốc (mà thực ra chỉ là suy diễn không có cơ sở vững chắc để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc) lại đều là các tài liệu viết về nước ngoài như Giao Châu dị vật chí của Dương Phù. Xứ Giao Châu là Việt Nam cũng chỉ “Bắc thuộc” một thời gian nhất định. Cũng thế các tác giả trên đã dẫn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát (chứ không phải Triệu Nhữ Thích), đời Nam Tống (1225) có nhắc đến Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường ở Phiên Quốc, có nghĩa nước khác chứ không phải Trung Quốc. Tư liệu cổ Trung quốc cũng dẫn Phù Nam truyện của Khang Thái (đời Ngô Tam Quốc), Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (đời Ngô). ChưPhiên đồ đời Tống lại xác định giới hạn của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương tức Giao Chỉ Dương. Giao Chỉ Dương hay biển Giao Chỉ lại là Vịnh Bắc Bộ trong khi Hoàng Sa, Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ… Như thế các tài liệu cổ trên đã gián tiếp chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc các nước khác mà Trung Quốc gọi là Phiên Quốc, hay Giao Châu, Nam Châu.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc bởi đồng tiền La Mã đã từng được phát hiện ở Óc Eo (An Giang), ở miền Nam Việt Nam nhưng không thể chứng minh rằng Óc Eo (An Giang) thuộc chủ quyền La Mã. Các nhân viên khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện được 14 ngôi miếu cô hồn và cho rằng chúng có từ thời Minh Thanh. Trong các ngôi miếu cô hồn ấy lại có 2 ngôi miếu ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée) đã được nhóm Hàn Chấn Hoa biên chép lại từ bài báo “Từ quần đảo Tây Sa trở về” trên Đại Công báo Hương Cảng , ngày 31 tháng 3 năm 1957, ghi rõ:

“Trên đảo Vĩnh Hưng [Phú Lâm] hiện nay có 2 ngôi miếu mà ngư dân tự xây dựng nên. Miếu mặt Nam gọi là “Cô hồn miếu”, miếu ở mặt Bắc gọi là “Hoàng Sa Tự” (Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân, Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên, thiên thứ 1, trang 115).

“Hoàng Sa tự” là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam mà các vua chúa Việt Nam, trong có thời Minh Mạng sai thủy quân ra Hoàng Sa xây dựng miếu, chùa như đã trình bày trong chương này.

(Còn tiếp)



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6640

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn