Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 3
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 3
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89575314 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Cố GS Nguyễn Tài Cẩn 19 năm sửa bài Nam quốc sơn hà!

    Ngày gửi bài: 15/04/2011
    Số lượt đọc: 2305

    Nhìn ra sai sót của mình và cho tới khi nhắm mắt vẫn băn khoăn tìm cách dịch nghĩa câu cuối trong bài thơ chữ Hán Nam quốc sơn hà - câu chuyện về cố GS Nguyễn Tài Cẩn đã thật sự làm nhiều người xúc động trong cuộc hội thảo về ông mang tên Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn (diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/3/2011).

    1. Câu chuyện về thầy mình và cơ duyên với bài thơ Nam quốc sơn hà (vẫn được coi là của Lý Thường Kiệt) do ông Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) kể lại. Theo đó, GS Nguyễn Tài Cẩn chính là người đầu tiên đưa ra những kiến giải mới về nội dung câu thơ cuối trong bài thơ lịch sử này. Bởi bài thơ thất ngôn này có cách ngắt nhịp 4-3 trong 3 câu đầu, trong khi câu thơ cuối chỉ đọc theo kiểu “phá cách” bằng nhịp 3-4 thì mới có nghĩa như chúng ta vẫn hiểu. (Nhữ đẳng hành/khan thủ bại hư - tạm dịch Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

    Giảng viên Nguyễn Hùng Vĩ kể: Năm 1979, khi tham dự một cuộc hội thảo về bài thơ này, GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra kiến giải đại ý rằng cách đọc như vậy là đúng, bởi việc “phá cách” theo nhịp mới là điều đã từng có trong thơ cổ. Để rồi, trong một bài viết năm 1998, ông lại thẳng thắn cho biết lập luận của chính mình đó có nhiều điểm sai cơ bản. Nghĩa là, theo lời ông Vĩ, câu thơ cuối phải đọc “chuẩn” với nhịp chung 4-3 (Nhữ đẳng hành khan/thủ bại hư) và người dịch cần đi tìm hiểu nghĩa chính xác của câu thơ này.

    “Suốt 19 năm kể từ ngày ấy, thầy tôi không thôi băn khoăn về kiến giải của mình, tìm cách gặp gỡ trao đổi, đọc thêm tài liệu, lắng nghe các phản biện của đồng nghiệp, thừa nhận sai sót của mình và đưa ra ý kiến mới mà chúng tôi vừa trích dẫn. Đó là sự trung thực, cầu thị mà không phải nhà khoa học nào cũng có thể làm - ông Vĩ tâm sự - Trao đổi với tôi về ý kiến của thầy, GS Bùi Duy Tân nhận xét: Cái đúng, cái mới nhiều khi khó được chấp nhận bởi thói quen hình thành lâu ngày. Nhiều khi, một kiến giải khoa học hữu lí nhưng vì phương tiện truyền thông ít thuận lợi nên không đến được với nhiều người và không được góp phần nâng cao tri thức cộng đồng, để cho những ý kiến chưa chính xác tồn tại lâu dài, cái sai này nối tiếp cái sai khác”.

    2. Cố gắng hoàn thành tâm nguyện của thầy mình, ông Vĩ đã bỏ nhiều thời gian tìm đọc và đối chiếu các cách sử dụng hai chữ Hán “hành khan” trong Nam quốc sơn hà. Tại cuộc tọa đàm, bằng một số phân tích và lập luận, ông Vĩ đưa ra kiến giải: có lý do để hiểu “hành khan” theo một nghĩa tương đương ở tiếng Việt là “xem ra”. Theo cách hiểu này, ghép cùng 3 câu thơ đầu, bài Nam quốc sơn hà có thể được dịch nghĩa: (Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị/Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư/Cớ sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm/Mà chúng bay, xem ra, lại chịu bại ư?)

    Có nghĩa, thay vì tuyên bố “giặc Tống sẽ bị đánh tơi bời”, câu cuối của bài thơ cần được hiểu thành lời động viên, khích lệ của thần linh với quân dân Đại Việt: “thực tế là vậy, giặc Tống lại ngỗ ngược như thế, chẳng lẽ các người cam lòng chịu thất bại hay sao?” - ông Vĩ giải thích - Cách hiểu này rất hợp với bối cảnh của bài thơ, khi những người nghe Nam quốc sơn hà lần đầu từ đền Trương Hống, Trương Hát chính là quân dân Đại Việt. Cũng cần nói thêm, trong ngôn ngữ cổ, nghĩa của từ chúng bay, chúng mày, các ngươi... là cách xưng hô thường tình của bậc trên với kẻ dưới chứ không hề có nghĩa miệt thị gì”.

    Rõ ràng, là lời tuyên bố hướng về quân Tống hay lời động viên, khích lệ quân dân Đại Việt chiến đấu, giá trị của bài thơ Nam quốc sơn hà vẫn không hề thay đổi. Và thực tế, dù mới chỉ dừng ở một giải thiết được gợi mở, cách cắt nghĩa mới của cố của GS Nguyễn Tài Cẩn và đồng nghiệp vẫn mang lại sự phong phú hơn trong những huyền thoại về bài thơ lịch sử này.

    Chiêu Minh


    Phát hiện bài thơ “tiền thân” của Nam quốc sơn hà?

    LTS: Căn cứ vào bài thơ “Nam Thiên dĩ định” trong bản thần tích đền Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ tỉnh Phú Thọ), nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (Phú Thọ) đặt giả thiết rằng đây chính là “tiền thân” của bài thơ thần Nam quốc sơn hà – được coi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của nước ta. Đây là một giả thiết lịch sử thú vị, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

    Xuất xứ của “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”

    Phòng tuyến sông Cầu, chiến thắng Như Nguyệt và Bản Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt mùa xuân năm 1077, là những sự kiện hùng tráng và đầy thi vị.

    Sử cũ chép: “Đời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt chống nhau với tướng Tống là Quách Quì ở sông Như Nguyệt. Đêm đến nghe có tiếng ngâm thơ ở trong đền thờ thần Tam Giang rằng (dịch):

    Sông núi nước Nam vua Nam ở

    Rành rành định phận ở sách Trời

    Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm

    Chúng bay sẽ thất bại tơi bời.

    Sau quả nhiên nhà Tống bị thua. Do có công đọc thơ đuổi giặc nên thần Tam Giang được phong là Khước địch đại vương, và đền thì gọi là đền Tam Giang khước địch thần”.

    (Sách Đại nam nhất thống chí – triều Nguyễn)

    Như vậy là quan niệm của sử cũ, bài thơ “Nam quốc sơn hà” là lời hịch của thần Tam Giang. Còn ngày nay thì chúng ta luận bàn rằng, bài thơ đó chính là của Lý Thường Kiệt. Ông bí mật cho người lọt vào đền thờ thần Tam Giang, nhân lúc đêm khuya thanh vắng đọc lên giả thác lời Thần để khích lệ lòng quân sĩ.

    Như trên đã nói, theo quan niệm của người xưa thì bài thơ khước địch (đuổi giặc) là của thần Tam Giang hiển linh hộ quốc. Nhận định của giới sử học ngày nay thì tác giả bài thơ là Lý Thường Kiệt. Còn cách làm cho nó ra vẻ thần linh thì chính do ông bố trí mà thôi. Tuy nhiên giới Sử học vẫn dừng ở luận đoán mà chưa chứng minh.


    Bài thơ “tiền thân”

    Nhiều năm nay nghiên cứu Lịch sử địa phương, chúng tôi đã chứng minh làm rõ, nhất trí với luận đoán đó là hoàn toàn khoa học, đúng sự thật.

    Trong bản thần tích thờ Đức Hải Công, con thứ 19 của Lạc Long Quân ở đền Đào Xá (xã Đào Xá huyện Thanh Thuỷ tỉnh Phú Thọ), có đoạn nói về sự linh ứng của thần là: “Đời vua Lý Nhân Tông, nhà Tống mưu mô xâm lược nước ta. Thái uý Lý Thường Kiệt đi tuần phòng để lo chống giữ. Ông cho thuyền chèo ngược sông Cái, rẽ vào đền Đào Xá mật khẩn thần linh hộ quốc. Thần hiển hiện thành rắn lớn, đi thuyền rồng lại cửa đền đọc bài thơ là:


    Nam thiên dĩ định đế Nam quân

    Đại đức giai do đức nhật tân

    Thất quận sơn hà đô nhất thống

    Tống binh bất miễn tán như vân.


    Nghĩa:


    Trời Nam đã định vua Nam ta

    Đức lớn ngày thêm đức mới ra

    Bẩy quận non sông về một mối

    Tống binh tan tác tựa mây sa.

    Quả nhiên, sau Thái uý cả phá quân Tống ở sông Như Nguyệt”.

    Cũng vì sự tích này mà trước đây làng Đào Xá có tục bơi chải vào lúc nửa đêm ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch trên đầm Đào hàng năm, gọi tên là “Lễ hiển Thần phù vua Lý đánh giặc Tống”. Làng có 4 giáp, giáp Đông và giáp Bắc bơi chải đực màu đỏ, giáp Tây và giáp Nam bơi chải cái mầu trắng. Mỗi chải dài 16m, lòng rộng 1,3m, cao 0,8m, chia làm 12 khoang, do 24 người ngồi hai bên mạn bơi, 1 người cầm lái, 1 người đứng giữa chải cầm mõ chỉ huy bằng hiệu lệnh, 2 người đánh chiêng trống, 1 người cầm bó đuốc, 1 người đứng mũi chải phất cờ. Đúng canh ba thì vào cuộc, hai chải lặng lẽ bơi nhẹ nhàng từ bờ đầm trước cửa Đền sang phía dẫy đồi bờ bên kia chừng 1km. Khi có hiệu lệnh gọi thì hai chải quay mũi về Đền, nổi chiêng trống hò reo bật đuốc, và bơi thi cật lực. Chải nào đến cửa Đền trước sẽ được lĩnh thưởng. Đó là hèm cầu diễn lại cảnh Thần Hải công cai quản đầm Đào Xá, lúc nửa đêm hôm mồng 10 tháng 7 hiển hiện về Đền thờ Ngài ban thơ cho Lý Thường Kiệt.

    Đến đây chúng ta dễ dàng nhận ra bài “Nam Thiên dĩ định” là tiền thân của bài “Nam quốc sơn hà”. Vậy quá trình hình thành “Nam quốc sơn hà” ra sao?

    Hai giả thiết về sự hình thành bài thơ

    Giả thiết 1: Khi quan Thái uý Lý Thường Kiệt đến Đào Xá, chắc chắn các bô lão, chức dịch toàn vùng phải tập trung nghênh tiếp. Lý Thường Kiệt nói rõ cho họ biết âm mưu của nhà Tống và mục đích chuyến đi kinh lý của ông. Để chúc tụng nhà vua và chúc tụng sự nghiệp phò vua cứu nước của quan Thái uý, họ đã cùng nhau xướng ngâm bài thơ trên.

    Điều lý thú là có chi tiết “Thất quận” trong câu “Thất quận sơn hà đô nhất thống” làm ta tin rằng bài thơ được ra đời trước khi xẩy ra cuộc chiến chống quân xâm lược Tống trên phòng tuyến sông Cầu, do các phụ lão địa phương ứng tác. Vì năm 1054 nhà Lý đã đặt lại tên nước là Đại Việt, chia đơn vị hành chính từ Trung ương đến địa phương. Cả nước đặt thành 24 lộ, phủ, châu; dưới là hương, giáp. Nhưng thổ hào địa phương quen hiểu đơn vị hành chính cũ từ thời trước, nên vẫn nói nước ta có 7 quận.

    Từ bài thơ, mộc mạc dân dã này, Lý Thường Kiệt đem “nhuận sắc” nâng lên thành bài “Nam quốc sơn hà”.

    Giả thiết 2: Bài “Nam thiên dĩ định” vẫn của Lý Thường Kiệt làm ra, ý thơ nẩy nở trong lúc hội ngộ với phụ lão làng Đào Xá. Nhưng sau đó ông giả thác nói là thơ của Thần Hải Công đem đến tặng (hoặc báo mộng). Có thể việc này đã làm cho những người xung quanh ông hào hứng. Rồi từ đây suy nghĩ của ông phát triển dần lên thành mưu kế. Một mặt ông sai phụ lão Đào Xá ghi chép lại giấc mộng của ông được Thần tặng thơ báo trước sẽ phá được quân Tống, loan truyền trong nhân dân. Một mặt ông tiếp tục tô điểm cho hay hơn. Bài thơ làm vội có tính chất khởi thảo này được ông sửa chữa thành kiệt tác “Nam quốc sơn hà”. Và đợi đến khi quân ta và quân Tống đối luỹ gay go, ông mới giao cho một người thân tín giả thác thần Tam Giang, đọc lên giữa đêm khuya. Sử cũ xác nhận rằng bài thơ Thần ấy đã gây được phấn khích tâm lý cực mạnh cho quân sĩ Đại Việt, và sự sợ hãi kinh hoàng của giặc.

    Bài thơ “Nam quốc sơn hà” rất có thể có nguồn gốc trước nó là bài “Nam thiên dĩ định” làm ở đền Đào Xá. Chính tại nơi địa bàn chiến lược ngã ba sông này, nhân dân vùng Đất Tổ Hùng Vương đã biểu lộ lòng trung thành với sự nghiệp giữ nước do triều Lý đứng đầu. Trước cảnh tượng non sông hùng vĩ đẹp tươi, khí thiêng chung đúc tự muôn đời, Lý Thường Kiệt đã cảm tác bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Ông đã khái quát hồn nước lòng dân viết nên bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, được công bố vào mùa xuân năm 1077 tại chiến lũy sông Cầu.

    Vũ Kim Biên (nhà nghiên cứu)



    Schoolnet (Theo thethaovanhoa.vn)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.