Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 13
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 13
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89513571 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Thành phố của sông hồ

    Ngày gửi bài: 04/01/2011
    Số lượt đọc: 2423

    Hà Nội là đô thị của các sông hồ. Cái tên “Hà Nội” diễn nôm là thành phố “trong sông” hay các câu ca dân gian cửa miệng của người Hà Nội đã chứng tỏ điều đó:

    Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

    Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

    Hay:

    Khen ai khéo họa dư đồ

    Trước sông Nhĩ Thủy sau hồ Hoàn Gươm

    “Khen ai khéo họa dư đồ

    Giữa nơi thành thị có hồ trong xanh”

    Nói là sông hồ, nhưng thực ra với hồ Hà Nội hồ cũng là sông, vì các hồ như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thủ Lệ, Trúc Bạch…đều là dấu tích của các khúc sông chết, sản phẩm đôi dòng của sông Cái (sông Mẹ).

    Hà Nội được dựng lên trên cái nền của bãi sa bồi của sông Hồng, nơi ngã ba sông, địa thế bằng phẳng thoáng đãng, giao thông đi lại bằng đường bộ, đường thủy thuận lợi, xứng đáng với đất trung tâm tụ hội. Chẳng thế mà trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn đã coi Thăng Long là: “Ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, ở vị trí ở giữa bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc: Tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp nước ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương”.

    Trong cái “tứ giác nước” (như cách nói của cố GS. Trần Quốc Vượng) với phía Bắc và phái Đông là sông Nhị Hà, còn sông Tô và Kim Ngưu bao bọc phía Tây và phía Nam. Thành lũy quanh Thăng Long cũng là đê ngăn lũ. Các sông hồ không chỉ bồi phủ tạo nên các bờ bãi tốt tươi, mà còn là hệ thống giao thông, hệ thống trữ nước, cấp nước và tiêu nước cho Hà Nội. Ở các thời tiền thực dân, tức tiền công nghiệp hóa, thuyền bè là phương tiện đi lại chính trên sông, đặc biệt là sông Cái:

    “Lênh đênh ba mũi thuyền kề

    Thuyền ra Kẻ Chợ, thuyền về sông Dâu”

    Hay:

    “Ai về Hà Nội, ngược nước Nhị Hà

    Buồm giăng ba ngọn vui đà vui thay”

    Con sông Tô Lịch thời đó trong xanh, không bị thu hẹp dòng và ô nhiễm như bây giờ, còn là nơi vua quan, thị dân du thuyền xuôi ngược:

    “Sông Tô nước chảy trong ngần

    Cơn thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa”

    Cấu trúc Thăng Long thời trung cổ là điển hình cho kiểu thành thị phong kiến, trong đó thành là nơi định đô với thành quách cung điện, nơi ở của vua quan; còn ngoài thành là “thị” với bến sông chợ búa, nơi sinh sống và buôn bán của thị dân. Ngày nay dấu tích các chợ còn lại khá rõ ở các cửa thành, như chợ Cửa Nam, chợ Cửa Bắc (nay là chợ Châu Long), chợ Cửa Tây (nay là chợ Ngọc Hà), chợ Cửa Đông (gần chợ Đồng Xuân). Ngày nay với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội không còn bó gọn trong cái “tứ giác nước” đó nữa mà đã vượt ra ngoài, không còn là thành phố “một bên sông”, thành phố “trong sông” nữa mà đang mở rộng sang cả hai bờ, ôm gọn cả khúc sông Hồng vào lòng.

    Sông Hồng đã tạo nên vị thế và diện mạo của Hà Nội, một vị thế và diện mạo có một không hai ở nước ta. Tuy nhiên Hà Nội, con người Hà Nội đã khoác lên các sông hồ nơi đây một diện mạo mới, diện mạo văn hóa. Có thể nói, mỗi khúc sông nhánh hồ của thành phố đều thấm đậm các huyền tích, truyền thuyết, dấu ấn lịch sử, khiến nó trở nên lung linh, huyền ảo, ẩn chứa hồn núi sông:

    “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

    Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”

    (Nguyễn Đình Thi)

    Sông Hồng, khúc chảy qua Hà Nội, đã từng chứng kiến các sự kiện hào hùng của dân tộc chống giặc ngoại xâm với các di tích Tây Kết thời Lê Hoàn chống Tống, Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp…trong chiến thắng Nguyên Mông, Xuân 1285:

    “Đoạt giáo Chương Dương độ, cầm hồ Hàm Tử quan”

    (Trần Quang Khải)

    Đây cũng là đoạn sông với sự ẩn hiện các thủy thần. Nằm trong hệ thống trấn thủy thần núi Ba Vì- Sơn Tinh, vị thần bảo trợ cho kinh thành Thăng Long. Huyền thoại Lý Ông Trọng chém mãng xà cứu mẹ ở khúc sông đình Chèm, gắn với lễ hội đình Chèm hàng năm vào tháng Giêng. Với hệ thống tín ngưỡng “trấn thủy” này còn có cả các huyền thoại diệt thuỷ quái trên sông Tô Lịch ở góc thành phía Tây Thập Tam Trại, kéo dài sang tận vùng Lệ Mật (Nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên) với truyền thuyết chàng trai họ Hoàng chém rắn cứu công chúa nhà Lý. Cũng nằm trong hệ thống Thập Tam Trại xưa, làng Thủ Lệ ngay sát kinh thành xưa, lại thờ thần Linh Lang phun nước làm mưa, được dân làng Thủ Lệ tôn thờ, là một trong Tứ Trấn của kinh thành Thăng Long.

    Đẹp hơn cả vẫn là huyền thoại Chử Đồng Tử- Tiên Dung, một mối tình mang đầy chất tự nhiên, làm thơ mộng cả một dải sông Hồng phía Nam Hà Nội, để lại ven sông không chỉ là những đình đền thờ cúng các vị thần mà còn là các nghi lễ, lễ hội, phong tục.

    Phong phú không kém là hệ thống các huyền thoại, truyền thuyết và di tích ven các hồ trong lòng Hà Nội. Ai cũng biết hồ Hoàn Kiếm là biểu tượng thiêng liêng của người Hà Nội, nơi có Tháp Rùa lung linh soi bóng ngàn đời đáy nước, ghi dấu huyền thoại Lê Thái Tổ, người sáng nghiệp nhà Lê trả gươm thần cho Rùa vàng, đền Ngọc Sơn, tượng Vua Lê, nay thêm tượng Lý Công Uẩn, người sáng lậpThăng Long- Hà Nội…

    Hồ Tây là một hồ lớn, xưa ở phía Tây kinh thành, dấu tích của sông Cái đổi dòng, nay con hồ này đã nằm gọn trong lòng Hà Nội. Cả một hệ thống huyền thoại, di tích, lễ hội dày đặc quanh Hồ Tây (còn gọi là hồ Dâm Đàm), mà tác phẩm “Tây Hồ chí” được viết từ cuối thế kỷ XIX đã mô tả chi tiết. Các huyền thoại về Trâu Vàng (Kim Ngưu) về Hồ Tinh, huyền thoại về chó mẹ trên lưng mang chữ Vương, từ bên kia sông Cái bơi về lót ổ đẻ Cẩu Nhi (chó con) ở Trúc Bạch, một nhánh Tây Hồ, đánh dấu điềm lành khi Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về Đại La, khai sinh thành Thăng Long nghìn năm. Huyền thoại về Bà Chúa Liễu Hạnh gặp gỡ và đàm thoại văn thơ với nhà thơ Phùng Khắc Khoan, do vậy đã để lại cho Hà Nội đời sau một phủ Tây Hồ linh thiêng, huyền ảo. Gắn với huyền thoại là các di tích đình, đền, chùa và lễ hội quanh Hồ Tây như đền Quán Thánh, di tích của Đạo giáo, chùa Trấn Quốc, ngôi chùa thuộc loại cổ nhất, nơi vua chúa xưa đi lễ chùa, chùa Kim Liên, Quảng Bá, đình Yên Phụ, đền Kim Ngưu, phủ Tây Hồ.

    Có một cái hồ vốn xưa kia nằm ở ngoại thành Hà Nội, nhưng nay ven hồ đã mọc lên một khu chung cư, đó là hồ Linh Đàm (Đầm Mực). Truyền rằng đây là nơi trú ngụ của Thần Lâm Đàm (thần Rồng), đã từng hóa thân thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An. Gặp năm trời hạn hán, vì thương xót dân, Thần hút mực trong các nghiên bút, phun lên trời cầu mưa, giúp người trừ hạn hán, làm cả mặt hồ đen ngòm như mực, do vậy mà bị Thiên Đình tức giận trị tội chết. Người dân nơi đây nhớ ơn, lập đền thờ Thần.

    Làm sao mà kể hết các huyền thoại, di tích, lễ hội, phong tục gắn với sông hồ của Hà Nội, tạo nên một Thăng Long- Hà Nội thấm đậm tinh thần lịch sử và tâm linh. Ở đây thiên nhiên và văn hóa, con người và môi trường đã hòa với nhau làm một, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên- địa- nhân, một bản sắc văn hóa của Việt Nam nói riêng và của phương Đông nói chung.

    Thăng Long Hà Nội nghìn năm đã hình thành nên những giá trị và bản sắc, nay đứng trước xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bị vỡ ra để tái cấu trúc thành Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh, có hàng loạt vấn đề đang đặt ra giữa kiến trúc đô thị và môi trường. Hà Nội đã mở rộng và hiện đại hơn, nhưng các sông hồ thì có bị bồi lấp, thu hẹp và ô nhiễm? Hà Nội có còn giữa được sự hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với sự hiền hòa, tươi mát của các dòng sông, mặt hồ? Chắc chắn trong tương lai Hà Nội sẽ có cơ sở vật chất khang trang, có “nhà cao cửa rộng” nhưng có còn giữ được cái hồn của những huyền thoại, truyền thuyết lịch sử lung linh?...Nói một cách tổng quan hơn Hà Nội có còn là đô thị của sông hồ.

    Schoolnet (Theo Hà Nội tầm nhìn triển vọng và những cơ hội đầu tư mới, NXB Hà Nội.)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.