Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 9
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 9
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89509013 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Hệ thống nghiên cứu khoa học: Cần cải tổ từ nền tảng

    Ngày gửi bài: 21/11/2007
    Số lượt đọc: 2510

    Ở phần kết bài viết trên TBKTSG số ra ngày 25-10-2007, GS. Hoàng Tụy có nói tới “sự sai lầm hệ thống” trong hai lĩnh vực giáo dục và khoa học hiện nay của đất nước. Mục tiêu của bài sau đây là thử tiếp tục đi tìm cội rễ của cái “sai lầm hệ thống” ấy trong lĩnh vực hoạt động khoa học, xét dưới hai góc độ định chế và tư tưởng.

    Trần Hữu Quang

    Nhìn chung, cho đến nay hầu như ai cũng đồng ý rằng nền khoa học của Việt Nam hiện nay quá mỏng manh và mờ nhạt. Năm 2006, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học mới chỉ đạt 0,43% tính trên tổng sản phẩm trong nước (số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN), trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1,3% vào năm 2005, còn ở Hàn Quốc là 2,64% và Nhật 3,45% vào năm 2003. Điều đáng nói là mức chi cho nghiên cứu ngoài ngân sách nhà nước (của các tổ chức và doanh nghiệp tư nhân) có lẽ chiếm tỷ lệ chưa đáng kể bao nhiêu. Còn số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học cũng chỉ có trên dưới 40.000 người (khoảng một phần tư con số này ở TPHCM), tức rất thấp, chỉ bằng khoảng 0,05/100 người dân, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 2,19 hay ở Mỹ 3,67 (năm 2003). Nói đến các nguyên nhân của tình trạng lạc hậu của nền khoa học, người ta có thể nghĩ tới yếu tố kinh tế (mức đầu tư quá thấp chẳng hạn), yếu tố trình độ hay phẩm chất của người nghiên cứu (mà nhiều người đã lên tiếng báo động), hoặc yếu tố quản lý. Một cuộc thăm dò của Sở KH&CN TPHCM cho biết có tới 98% trong số 233 cán bộ khoa học được hỏi đã trả lời rằng cần đổi mới chính sách và cơ chế quản lý hoạt động khoa học (SGGP, 17-3-2006, tr. 9). Ngày 5-9-2005, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu công lập. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những nguyên nhân ấy thì chúng tôi cho rằng vẫn chưa đụng chạm tới những chiều sâu gốc rễ của vấn đề. Bài này có ý định đề cập tới hoạt động nghiên cứu khoa học xét như là một định chế xã hội, và xét như là một dạng hoạt động đặc thù của tư duy.

    Nhà nước và khoa học

    Cũng tương tự như nhiều định chế xã hội khác (như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao), định chế khoa học cũng không thoát khỏi thân phận nạn nhân của hai căn bệnh: căn bệnh nhà nước hóa (hay hành chính hóa) xét về mặt tổ chức, và căn bệnh chính trị hóa xét về mặt tư tưởng, vốn là những di chứng của chế độ quản lý tập trung quan liêu xuất phát từ một mô hình chủ nghĩa xã hội sùng bái nhà nước mà chúng tôi đã có dịp phân tích (xem TBKTSG, 6-7-2006, tr. 14-15). Nguồn gốc của hai căn bệnh này xuất phát từ một não trạng mang nặng tiềm thức phong kiến cho rằng Nhà nước và những người lãnh đạo là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), do đó thuộc về một đẳng cấp cao hơn và đứng bên trên dân chúng. Hệ quả gần như tất yếu của não trạng này là thái độ độc quyền chân lý, không chấp nhận những ai nói khác với mình, và cho rằng mình có quyền nghĩ thay và quyết định thay cho người dân. Xét trong bối cảnh này, có thể nói mà không sợ quá đáng rằng khoa học thực ra cũng buộc phải coi Nhà nước nếu không là “phụ mẫu” thì cũng là “bảo mẫu” của mình!

    Hiện nay, thay vì chỉ cần xác định một số hướng nghiên cứu ưu tiên như các nước khác vẫn làm, thì chính Nhà nước lại giành quyền xác định luôn đề tài. Hàng năm, Bộ KH&CN công bố danh sách các đề tài khoa học cấp nhà nước sẽ được ngân sách cấp kinh phí (năm 2006 có 95 đề tài). GS. Hoàng Tụy bình luận về chuyện này như sau: “Không nước nào thực hiện quản lý bằng cách cơ quan trung ương ban hành danh mục các đề tài cụ thể cần nghiên cứu trong từng ngành KH&CN rồi chọn người giao nhiệm vụ và cấp kinh phí thực hiện qua cơ chế đấu thầu hoặc tuyển trực tiếp” (TBKTSG, 18-1-2007, tr. 15). Ở cấp địa phương, tình hình cũng y hệt như thế, có khác chăng là danh mục đề tài do các sở KH&CN xác định và ban hành.

    Theo PGS. Trần Đình Thiên, nền khoa học của Việt Nam hiện nay vẫn là “một nền khoa học bao cấp, vẫn tồn tại xin-cho, bộ chủ quản”, và Nhà nước vẫn chưa thực sự đặt niềm tin vào các nhà khoa học. Tình trạng tập trung quan liêu này trong lĩnh vực khoa học khiến cho có người như GS. Ngô Việt Trung đề nghị thậm chí cần từ bỏ khái niệm “quản lý khoa học”, vì “hiện nay ở Việt Nam có tình trạng nhiều cán bộ không phải là nhà khoa học lại đi hoạch định chính sách và điều phối các hoạt động khoa học” (xem TBKTSG, 18-1-2007, tr. 14).

    Chế độ quan liêu và độc quyền trong nghiên cứu khoa học dẫn đến những hậu quả tệ hại đáng xấu hổ, chẳng hạn như, theo GS. Hoàng Tụy, “hiện tượng chạy dự án nghiên cứu để tăng thu nhập cũng xuất phát từ chế độ đãi ngộ cho giới khoa học hiện quá thấp” (Pháp luật TPHCM, 26-9-2005, tr. 3). Hay một hậu quả khác là “nạn cai đầu dài”, theo lời GS. Văn Tạo: “Cần tránh nạn cai đầu dài trong quản lý khoa học, tránh việc chỉ giao chủ trì đề tài khoa học cho những người có cương vị chính quyền, có chức sắc, dầu họ không phải là chuyên gia đầu ngành” (Khoa học & Phát triển, 17-7-2003, tr. 3). Chính cơ chế làm việc chịu sự chi phối nặng nề của quyền lực và của óc quyền lực làm cho “các giáo sư-nhà khoa học dễ đánh mất lòng trung thực, nhiều lúc muốn có việc sẽ phải nói dối, đôi lúc còn đượm chút mafia”, theo lời GS. Lê Huy Bá (Tuổi trẻ, 13-7-2005, tr. 1).

    Trở lại với mối quan hệ giữa định chế nhà nước với định chế khoa học, chúng tôi cho rằng những người lãnh đạo nhà nước đã không phân biệt chức năng của từng định chế, từ đó vô hình trung lẫn lộn và đồng hóa hai loại định chế khác nhau hoàn toàn này. Vì thế mới dẫn đến tình trạng “nhà nước hóa” hay “hành chính hóa” các tổ chức khoa học như đã nói trên. Ở đây, cần nói rõ: Nhà nước không có chức năng nghiên cứu hay làm khoa học, kể cả bộ hay các sở KH&CN, vì Nhà nước là một định chế chính trị. Chính các viện nghiên cứu hay các trường đại học mới có chức năng này, vì đây là những tổ chức thuộc về định chế văn hóa và định chế giáo dục của một hệ thống xã hội. Chủ thể của hoạt động nghiên cứu khoa học không thể và không bao giờ là Nhà nước (mặc dù hoàn toàn có thể là của một viện nghiên cứu của Nhà nước; nhưng một viện nghiên cứu của Nhà nước vẫn không phải là Nhà nước), mà luôn luôn phải là nhà nghiên cứu. Nhà nước là người có thể đặt hàng một số đề tài nghiên cứu nào đó, hay thậm chí định ra một số hướng nghiên cứu ưu tiên kêu gọi các nhà khoa học tham gia, cung ứng tài chính cho các tổ chức nghiên cứu, nhưng Nhà nước không thể tự mình tiến hành hoạt động nghiên cứu, mà cũng không có đủ thẩm quyền để thẩm định các đề tài nghiên cứu, đơn giản là vì Nhà nước không phải là một tổ chức nghiên cứu, mà là một tổ chức chính trị mang những chức năng và nhiệm vụ khác hẳn. Lâu nay, chúng ta có thể thấy một số hiện tượng bộc lộ sự ngộ nhận không hề nhỏ này, chẳng hạn khi Bộ KH&CN trực tiếp giao đề tài cho nhà nghiên cứu, rồi cuối cùng xét nghiệm thu đề tài, hay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo giành lấy quyền ra đề thi tuyển sinh hay cấp văn bằng tiến sĩ trong khi lý ra những việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền và nhiệm vụ của các trường đại học. Đây không chỉ là vấn đề không tin cậy vào các tổ chức cấp dưới, mà nghiêm trọng hơn là vấn đề lẫn lộn chức năng, hoặc nói như người Nam bộ là “đá lộn sân”, cũng giống y như trước đây lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng sản xuất-kinh doanh.

    Tính độc lập của người làm khoa học và quyền tự do tư tưởng

    Ai cũng biết một trong những điều kiện cốt tử của một nhà nghiên cứu là khả năng suy nghĩ độc lập và óc hoài nghi khoa học cũng như óc phê phán. Và để bảo đảm được điều này thì không gì khác hơn là phải tuyệt đối tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Óc phê phán và môi trường thảo luận không làm gia tăng vốn kiến thức, nhưng lại là điều kiện tối cần thiết để kiểm nghiệm tri thức và kích thích óc sáng tạo. Và như nhà triết học Anh J. S. Mill từng viết, “cái tai họa khác thường của việc cấm đoán phát biểu một ý kiến chính là sự đánh cắp đối với loài người... [điều này] gây thiệt hại cho người bất đồng với ý kiến đó nhiều hơn là cho chính người có ý kiến đó” (On Liberty, 1859, chương 2) (xem thêm TBKTSG, 23-2-2006, tr. 16).

    Trên bình diện tư tưởng, nhiều ngành khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhiều năm nay đã bị nhiễm căn bệnh “chính trị hóa” một cách nặng nề. Do chế độ “bao cấp” về tư tưởng, nên nhà nghiên cứu gần như bị trói chặt trong cái vòng kim cô của những điều buộc phải chấp nhận như chân lý cũng như của những điều cấm kỵ mang tính giáo điều, hệ quả là buộc phải tự giới hạn lao động của mình vào công việc minh họa đến mức có người phải tự trào là “ăn theo, nói leo” (Khoa học & Phát triển, 17-7-2003, tr. 3). Mọi nội dung nghiên cứu, mọi mục tiêu nghiên cứu đều phải quy về chính trị, phải được xem xét và phán đoán dưới quan điểm chính trị. Gần đây có người còn có sáng kiến hết sức kỳ quặc là định đưa cả việc chống tham nhũng vào trong nội dung giảng dạy ở các nhà trường! Ngay cả môn triết học cũng không được giảng dạy và trình bày như một bộ môn khoa học, mà thường được diễn giải một cách máy móc theo quan điểm gọi là “chính trị” (xem thêm Tia sáng, 8-2006, tr. 18-19). Tình hình này dẫn đến chỗ làm tha hóa (hiểu theo nghĩa triết học, tức là không còn là mình nữa), hay nếu dùng một từ tượng hình hơn, làm “phân thân” người nghiên cứu - trong bụng nghĩ một đàng nhưng nói ra hay viết ra một nẻo. Sự tha hóa này không chỉ gây khổ sở cho nhà nghiên cứu, mà quan trọng hơn là còn gây thiệt thòi cho cả xã hội, vì khoa học đã không được “trọng dụng” như những lời tuyên bố trên diễn đàn. Điều này xảy ra không chỉ đối với giới khoa học xã hội, mà kể cả giới khoa học tự nhiên và công nghệ. Và trong thực tế, đây là một sự lãng phí chất xám không chỉ của giới nghiên cứu mà của cả xã hội một cách nghiêm trọng.

    Nếu nhà khoa học không tôn trọng tính khách quan, không mang tính độc lập và không dám phản biện, thì nói như GS. Lê Ngọc Trà, sẽ “không ngăn cản được những quyết định thiếu sáng suốt có ảnh hưởng đến lợi ích chung” (Tia sáng, 16-9-2006). Tuy nhiên, trong thực tế, có ngăn cản được hay không lại là chuyện khác. Trả lời cho câu chất vấn của một nhà báo rằng “nhà khoa học ở đâu?” sau khi xảy ra những hậu quả xấu của việc xây đập và cống ở sông Ba Lai nhằm “ngọt hóa” một vùng đất Bến Tre, ông Trần Đức Khâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi, nói rằng ông đã từng lên tiếng cảnh báo về những điều bất hợp lý về mặt kinh tế-kỹ thuật cũng như những tác động xấu về mặt môi trường, nhưng không hề được lắng nghe và xem xét ý kiến (TBKTSG, 27-1-2005, tr. 4). Có lẽ cũng không khó để tìm được những thí dụ tương tự liên quan tới những dự án lớn của quốc gia như dự án xây các nhà máy xi măng lò đứng, các nhà máy đường, dự án xây dựng các cảng biển ở các tỉnh liền kề nhau hay dự án đắp đê bao ngăn “lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Một trường hợp cũng khá điển hình là mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu các sở có liên quan tìm lại bộ bản đồ địa chất thủy văn và địa chất công trình vốn đã được các nhà khoa học thiết lập từ năm 1982 nhưng đến nay đã bị... thất lạc, nhằm phục vụ cho việc quy hoạch và xây dựng của thành phố (Người lao động, 7-11, 8-11 và 10-11-2007). Cốt nền phục vụ cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của một thành phố lớn như TPHCM vẫn không được xác định trong mấy chục năm liền. Đấy chỉ là một vài trong vô vàn thí dụ cho thấy nhiều cơ quan nhà nước không những không quan tâm tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mà còn không bận tâm ngay cả tới công việc quản lý của chính mình một cách khoa học!

    Tính độc lập tư duy của nhà nghiên cứu trong thực tế cần được hiểu là trước hết độc lập khỏi mọi áp lực. Cũng không thừa nếu nói thêm rằng gần đây có một xu hướng kỳ lạ là nhiều người thường có quan điểm duy kinh tế thô thiển khi bàn đến hoạt động nghiên cứu khoa học, làm như thể khoa học lúc nào cũng phải đẻ ra tiền ngay và cân đong đo đếm được, mà không phân biệt giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu triển khai, và cũng không ý thức rằng ngay nghiên cứu triển khai cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng đi đến thành công. Đã có lúc chính Nhà nước cũng ban hành quy định phấn đấu ít nhất 90% đề tài nghiên cứu được ứng dụng trong vòng sáu tháng sau khi nghiệm thu (SGGP, 13-6-2004, tr. 2). Và chính Bộ KH&CN cũng đề ra cơ chế “đấu thầu” đề tài nghiên cứu một cách máy móc, không khác gì một dự án xây dựng cầu đường!

    Hoạt động nghiên cứu khoa học có những quy tắc riêng của nó mà nhà nghiên cứu nào cũng phải tôn trọng và tuân thủ. Và xét cho cùng, như lời GS. Lê Ngọc Trà, “sẽ không có một lập trình nào cho tương lai của khoa học ngoài sự lập trình của chính nó” (TBKTSG, 18-1-2007, tr. 14). Và nếu nhà khoa học có bướng bỉnh làm việc theo những quy tắc ấy, thì chắc hẳn không phải chỉ vì lợi ích của cá nhân người này hay lợi ích của bản thân nền khoa học, mà suy cho cùng là vì lợi ích của cả xã hội.

    Nếu khoa học là hoạt động tìm kiếm tri thức và sản xuất ra tri thức, thì đồng thời nó cũng có nhiệm vụ giúp cho xã hội có điều kiện tự nhìn lại mình, tự ý thức về mình, hay nói cách khác, giúp cho xã hội con người luôn luôn phản tỉnh. Công cuộc đổi mới đã có thành tựu là khôi phục được vai trò tiên phong của tầng lớp doanh nhân, nay đã đến lúc cần khôi phục và xây dựng lại một tầng lớp trí thức theo đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, sức mạnh của một đất nước không thể chỉ dựa vào tiềm lực sản xuất ra của cải vật chất, mà còn là và trước hết là phải dựa trên tiềm lực của trí tuệ. Nhưng để làm được điều này, ngoài những thay đổi cần thiết về mặt định chế như đã nói trên, cần tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tư tưởng trong nghiên cứu. Không có con đường nào khác.

    Định chế khoa học cũng không thoát khỏi thân phận nạn nhân của hai căn bệnh: căn bệnh nhà nước hóa (hay hành chính hóa) xét về mặt tổ chức, và căn bệnh chính trị hóa xét về mặt tư tưởng, vốn là những di chứng của chế độ quản lý tập trung quan liêu xuất phát từ một mô hình chủ nghĩa xã hội sùng bái nhà nước

    Nhiều người thường có quan điểm duy kinh tế thô thiển khi bàn đến hoạt động nghiên cứu khoa học, làm như thể khoa học lúc nào cũng phải đẻ ra tiền ngay và cân đong đo đếm được, mà không phân biệt giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu triển khai, và cũng không ý thức rằng ngay nghiên cứu triển khai cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng đi đến thành công.

    school@net (Theo http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=3&sobao=)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.